ĐỘC ĐÁO HÁT THEN CỦA NGƯỜI ĐỒNG BÀO DÂN TỘC TÀY – NÙNG Ở TUYÊN QUANG
Hát then là gì?
Hát Then là một nghệ thuật dân gian của các dân tộc Tày, Nùng và Thái ở vùng cao phía Bắc Việt Nam, được ví như “điệu hát thần tiên” hay “hát của Trời”. Nghệ thuật này là một di sản văn hóa phi vật thể có giá trị lịch sử và văn hóa sâu sắc. Với phong cách riêng biệt, nghệ thuật dân gian này đã trở thành một phần quan trọng của cuộc sống tinh thần và bản sắc văn hóa của người dân ở vùng cao phía Bắc Việt Nam.
Hát then đối với đồng bào dân tộc Tày – Nùng
Theo quan niệm người Tày, Then có nghĩa là “Trời”. Hát Then là một loại hình diễn xướng âm nhạc tín ngưỡng dân gian, có nội dung thuật lại cuộc hành trình của con người lên thiên giới cầu xin Then ban cho những điều may mắn và một cuộc sống tốt lành. Hát Then của người Tày phản ánh chuyện từ đời sống, bản mường, đến chuyện tình yêu, ma chay, cưới hỏi… Khi nghiên cứu các lễ Then cổ truyền, các nhà nghiên cứu thấy rõ nhân sinh quan, thế giới quan và bản sắc văn hóa của đồng bào Tày.
Dịp diễn ra các sự kiện quan trọng của người Tày, Nùng, Thái ở một số tỉnh vùng cao phía Bắc như: Lễ cầu mùa, cầu yên, cấp sắc… đồng bào dùng tiếng đàn tính để thay lời muốn nói, bày tỏ nỗi niềm… Khi thực hành nghi lễ, người hát Then không thể thiếu các dụng cụ như đàn tính, chùm xóc nhạc, quạt, thẻ âm dương, kiếm. Đàn tính được coi là nhạc cụ mang “hồn” dân tộc, là cầu nối giữa con người với thế giới tâm linh…
Ở vùng Tây Bắc, Then của người Thái bắt nguồn từ cuộc sống lao động, nên Then thẩm thấu những giá trị văn hoá lâu đời, mang tính nhân văn sâu sắc. Hát Then không chỉ giải quyết vấn đề tín ngưỡng, mà còn răn dạy con người; ngợi ca đạo đức; phê phán thói hư tật xấu; thể hiện tình yêu nam nữ hay ngợi ca tình yêu thiên nhiên, đất nước…
Các nghi lễ cúng Then và hát Then của người Nùng thường diễn ra trong 2 ngày đêm với các nội dung như: Lễ cúng tổ tiên, hành trình lên mời Ngọc Hoàng… Trong thời gian diễn ra nghi lễ, âm nhạc luôn được biểu diễn với nhiều làn điệu phù hợp với từng phần lễ. Theo ông Hoàng Văn Páo, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian tỉnh Lạng Sơn: “Hát Then gắn liền với hình ảnh cây đàn tính trở thành bản sắc văn hoá của cộng đồng tộc người Nùng nơi đây”
Đưa hát Then vào trải nghiệm du lịch
Ông Đỗ Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý các khu du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong kho tàng văn hóa dân gian của người Tày, hát Then là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo nhất, bày tỏ khát vọng về cuộc sống bình yên, khát vọng vươn lên ấm no, hạnh phúc. “Loại hình nghệ thuật này có sự kết hợp giữa vẻ đẹp của con người và thiên nhiên, giữa giá trị nghệ thuật với yếu tố tinh thần và tâm linh, vì vậy chúng tôi đã đưa loại hình nghệ thuật hát Then làm thành một sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách đến với tỉnh nhà sau giai đoạn bình thường. Nghệ thuật hát Then thực tế đã có từ ngàn đời xưa, được truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ trước sang thế hệ sau, vì vậy các làn điệu hát Then đã ngấm linh hồn, máu thịt của đồng bào dân tộc vùng Việt Bắc và lan tỏa sang một số vùng miền trong cả nước”, ông Đỗ Trung Kiên cho biết.
“Hiện nay, để thu hút du khách cả nước, các khu du lịch, điểm đến ở tỉnh Tuyên Quang đang tăng cường quảng bá, xúc tiến, mở rộng cơ sở lưu trú, hạ tầng và dịch vụ để đón tiếp du khách tốt hơn. Sau Tết Nguyên đán đến nay, du khách đến với Tuyên Quang nhiều hơn và tỉnh cũng phát động Năm du lịch quốc gia tại Tuyên Quang để kéo du khách đến với Tuyên Quang trong năm 2022. Theo thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2022, địa phương đã đón hơn 700.000 lượt khách và năm 2022 mục tiêu của tỉnh nhà sẽ đón trên 2 triệu lượt khách”, ông Đỗ Trung Kiên cho biết thêm.
Tại Khu di tích lịch sử Tân Trào, ngoài việc khám phá tìm hiểu về di tích cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, lán Nà Nưa, di tích Việt Nam Thông tấn xã, cụm di tích Văn phòng Chủ tịch phủ – Thủ tướng phủ… du khách đã còn có thể trải nghiệm chèo thuyền mảng nghe hát Then trên lòng hồ Nà Nưa. Đây là sản phẩm du lịch mới của tỉnh Tuyên Quang vừa được đưa vào khai thác để thu hút du khách.
Lần đầu tiên được nghe hát Then trên hồ Nà Nưa, chị Nguyễn Ngọc Mai, một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết: “Tiếng đàn tính thánh thót hòa quyện với giọng hát của cô gái dân tộc Tày vang giữa lòng hồ Nà Nưa cho tôi một cảm giác rất lạ. Nó không giống như những nhạc cụ hiện đại và khi nghe tôi cảm thấy rất dễ chịu và cảm giác yên bình. Chèo thuyền trên làn nước trong xanh, nghe nhạc nhẹ nhàng đã lôi cuốn tôi hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Việt Bắc rất nhanh. Đặc biệt, từ trong tiếng đàn, tiếng hát của các cô gái người dân tộc tôi còn cảm nhận được một tình yêu âm nhạc và quê hương mãnh liệt của người dân nơi đây”.
QUÝ KHÁCH THAM KHẢO TOUR DU LỊCH NA HANG (TẠI ĐÂY)
QUÝ KHÁCH ĐẶT TOUR HOẶC CẦN TƯ VẤN THÊM XIN LIÊN HỆ HOTLINE/ ZALO: 0823.439.888