LỄ HỘI LỒNG TỒNG TẠI TUYÊN QUANG
Hàng năm, vào thời điểm giao mùa của trời đất – đầu xuân, các xã thuộc huyện Chiêm Hóa, Nà Hang, Lâm Bình… có đồng bào dân tộc Tày tổ chức lễ hội xuống đồng – Lễ hội Lồng Tông. Đây là một lễ hội mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống và đã được truyền lại từ xa xưa trong đời sống văn hóa tinh thần cũng như xã hội của người Tày.
Đồng bào Tày coi Lễ hội Lồng Tông là một kho tàng văn hóa tinh thần vô giá, bởi nó chứa đựng mong ước, niềm tin thiêng liêng và sự cháy bỏng của mỗi người dân về một cuộc sống yên lành, no đủ. Đồng thời, Lễ hội Lồng Tông cũng chứa đựng đầy đủ các nét tinh túy trong bản sắc văn hóa của người Tày, như văn hóa ẩm thực, nghệ thuật dân ca, dân vũ, phong tục tập quán, trò chơi dân gian…
Trong kho tàng truyện cổ của người Tày vùng Chiêm Hóa, Nà Hang, Lâm Bình, còn lưu truyền nhiều truyền thuyết (được xem như nguồn gốc ra đời) về lễ hội Lồng tông, như: “Sự tích thác Mưa Rơi”… đều kể về những nhân vật có thật và gần gũi trong đời sống sinh hoạt của đồng bào, là những người có công bảo vệ làng bản, bảo vệ mùa màng cho dân làng, khi những người này qua đời được dân làng suy tôn thành thần thánh…Vì thế, từ xa xưa, lễ hội Lồng tông thường được gắn với việc thờ cúng tại đình, đền, miếu. Tại mỗi địa điểm tổ chức lễ hội, đồng bào Tày thờ các vị thần khác nhau, có nơi thờ cả Thiên thần, Địa thần và Nhân thân, đó là những vị thần, những người có công xây dựng, bảo vệ dân làng, nhưng cũng có nơi chỉ thờ các Thiên thần và Nhiên thần.
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Lễ hội Lồng tông được tổ chức tại nhiều địa điểm của 5 huyện: Chiêm Hóa, Nà Hang, Lâm Bình, Hàm Yên và Sơn Dương. Lễ hội Lồng tông của người Tày, ngoài những nét tương đồng – đều được tổ chức vào những ngày đầu xuân, thời điểm giao hòa âm dương, cầu mong mùa màng, muôn vật sinh sôi nảy nở và cầu an cho cộng đồng bước vào năm mới người người khỏe mạnh, thì cũng có nhiều sự khác biệt, đó là sự thể hiện khá đậm nét yếu tố tín ngưỡng, tâm linh. Trong bài viết này xin được đề cập Lễ hội Lồng tông ở huyện Chiêm Hóa, lễ hội Lồng tông lớn nhất cả về quy mô, nội dung hình thức tổ chức.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn huyện Chiêm Hóa có tới 46 lễ hội Lồng tông được tổ chức trong tháng Giêng hằng năm, với phạm vi và quy mô: theo các thôn, bản hoặc xã của 20 xã và quy mô lớn nhất là vào ngày mùng 8 tháng Giêng tại thị trấn Vĩnh Lộc. Ở thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, lễ hội Lồng tông được tổ chức gắn với việc thờ cúng tại đền Bách Thần – nơi hội tụ của thiên thần (Ngọc Hoàng Thượng Đế), địa thần (Thần linh, Thổ địa, Long Vương, Sơn thần, Thủy thần, Long mạch) và nhân thần (Vua Hùng, Âu Cơ; những người có công với đất nước…được nhân dân phong thánh; những người có công đánh giặc giữ nước, trong đó có nhân vật được thờ Ma Doãn Giảo, một vị châu chủ đất Chiêm Hóa, quê ở Bản Cuống, xã Minh Quang, là người có công đánh giặc Cờ đen, khi mất được nhân dân tôn thờ ở nhiều nơi, trong đó có đền Bách Thần. Ngoài ra, đền Bách thần thờ Tam Quang: Nhật (mặt trời), Nguyệt (mặt trăng), Tinh (các vì sao) với ý nghĩa đem sự sống đến cho con người.
Lễ hội Lồng tông tuân theo những quy tắc, quy định chung mang tính cộng đồng, chú trọng những yếu tố tín ngưỡng mang tính bản địa, chứa đựng những khát vọng của người nông dân từ xã hội cổ xưa. Vai trò của chính quyền và nhân dân địa phương trong việc chủ trì, duy trì lễ hội, bảo đảm lễ hội mang tính thống nhất, tính truyền thống của cộng đồng và đậm màu sắc lễ hội nông nghiệp. Sản phẩm văn hóa của nhân dân địa phương là hình thái sinh hoạt văn hóa tinh thần, hội tụ các loại hình văn hóa dân gian đáp ứng nhu tâm linh của nhân dân địa phương.
Bắt đầu từ ngày mùng 7 tháng Giêng, người dân thị trấn Vĩnh Lộc đã náo nức vào hội. Mở đầu là cuộc thi khâu còn. Đây không chỉ là thể hiện sự khéo léo của các cô gái Tày duyên dáng mà còn chứa đựng yếu tố thiêng – chọn 100 quả còn để dâng cúng Bách Thần. Quả còn được làm bằng vải tứ sắc, tua ngũ sắc, khâu thành 4 múi, 2 mặt, bên trong có gạo, thóc, cát (thóc tượng trưng cho hạt giống, cát tượng trưng cho đất để trồng lúa, gạo tượng trưng cho thành phẩm, là kết quả của quá trình lao động). Những quả còn được chọn sẽ có tên của gia đình, người khâu, được xếp vào mâm để dâng cúng tại đền Bách Thần và để tung vào ngày hôm sau mùng 8 tháng Giêng.
Dựng cây còn là công việc không hề đơn giản. Cây còn được làm từ những cây tre to, dài, thẳng được nối lại với nhau, tạo nên cây còn to, thẳng, cao tới 25-30 mét. Các công việc: làm kệ tồng, dựng cây còn, dựng cây đu, cầu leo, cầu lút…xong thì trời tối. Màn đêm buông xuống cũng là lúc bà con tấp nập lên đền Bách Thần, với các mâm tồng được chuẩn bị kỹ lưỡng để dâng cúng Bách Thần vào sáng sớm hôm sau.
Sáng mùng 8 tháng Giêng, mở đầu lễ hội là lễ cúng tại đền Bách Thần diễn ra linh thiêng và trang trọng. Lễ vật dâng cúng gồm: lễ chay (bánh chưng, bánh dày, bánh lẳng, bánh khảo, hoa quả, trầu cau, tiền vàng giấy; lễ mặn (gà sống thiến, xôi ngũ sắc, rượu và 1 mâm quả còn (100 quả còn chọn từ cuộc thi khâu còn ngày mùng 7)… Bắt đầu hành lễ, chủ tế mặc áo chàm dài vạt chéo, quần màu chàm. Chắp sự lễ là người đọc văn khấn (đồng bào gọi là ông thái), người dâng hương, rượu (đồng bào gọi là ông mo), mặc áo chàm dài, vạt chéo, quần chàm, dầu chít khăn đỏ. Sau khi lễ vật được đặt lên ban thờ, chủ tế dâng văn tế rồi đưa cho ông thái; ông mo lên hương, rót rượu, ông thái bắt đầu đọc văn tế… Khi hết tuần nhang, ông thái khấn xin thụ lộc. Cúng tế xong, mâm lễ mặn vẫn để trên ban thờ, các mâm lễ khác để trong gian đại bái đưa ra ngoài sân để rước về nơi tổ chức phần hội. Các mâm tồng (lễ vật được đặt trên 4 mâm vuông, 5 mâm tròn bằng gỗ), mỗi mâm do một chàng trai và một cô gái Tày bưng, rước từ đền Bách Thần về nơi tổ chức phần hội (nay là sân vân động của huyện) – nơi tổ chức tung còn và các trò chơi dân gian, đặt lên các kệ tồng dưới chân cây còn. Xong việc, ông mo lên hương, rót rượu, ông thái đọc văn khấn mời Bách Thần về dự Lồng tông, cầu mong Bách Thần phù hộ cho dân an, vật thịnh và xin được khai hội Lồng tông.
Ngày hội thật náo nức. Quả còn đầu tiên được tung lên, khởi đầu cho một năm mới đầy khát vọng. Cây còn cao vút, từng quả còn nối nhau vun vút bay lên hướng đích… Khi còn trúng tâm điểm, ông mo cho dừng tung còn, công bố tên người ném trúng, sau đó phát lộc cho nhân dân tại chân cột cây còn. Cùng với đó, tại một thửa ruộng, một người đại diện chính quyền hoặc người có uy tín, thay mặt nhân dân xuống đồng cày những đường cày đầu tiên của năm mới.
Khi quả còn được tung trúng đích, báo hiệu một điềm may mắn, dấu hiệu của một năm mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh thì cũng là lúc trên sân diễn ra các trò chơi dân gian: cầu leo, cầu lut, đánh yến, đánh pam, đu quay, chọi gà, chọi chim, cờ tướng, đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co, đấu vật… Tất cả các trò chơi dân gian ấy không chỉ đơn thuần là trò chơi vui xuân, mà đều hàm chứa những ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện khát vọng của con người về sự hòa hợp trời đất và sự mong ước một năm mới thật nhiều sức khỏe, mùa màng bội thu.
Những năm trước đây, do đền Bách Thần bị hư hỏng, việc tổ chức các nghi lễ cúng các vị thần linh trong lễ hội Lồng tông bị mai một nhiều, chủ yếu chỉ có phần hội. Điều này có phần hạn chế về giá trị cố kết cộng đồng, hướng về nguồn, yếu tố tâm linh và bảo tồn, làm giàu bản sắc văn hóa. Năm 2010, huyện Chiêm Hóa cơ bản phục dưng xong đền Bách Thần, đồng thời phục dựng lại lễ hội Lồng tông trên cơ sở những yếu tố nguyên bản trong truyền thống. Năm 2012, lễ hội Lồng tông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh sách di sản văn hóa vật thể quốc gia. Đây là điều kiện rất thuận lợi để huyện Chiêm Hóa bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Tày, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hôi, nhất là phát triển kinh tế du lịch của huyện.
QUÝ KHÁCH THAM KHẢO TOUR DU LỊCH NA HANG (TẠI ĐÂY)
QUÝ KHÁCH ĐẶT TOUR HOẶC CẦN TƯ VẤN THÊM XIN LIÊN HỆ HOTLINE/ ZALO: 0823.439.888